Bình thường hóa quan hệ Chia_rẽ_Trung-Xô

Việc mất quyền lực của Lâm Bưu năm 1971 đánh dấu hồi kết thúc giai đoạn cực độ nhất của cuộc Cách mạng Văn hoá và từ đó trở đi cho đến khi Mao mất vào năm 1976, có một sự trở lại dần dần chế độ cộng sản bình thường tại Trung Quốc. Nó kết thúc tình trạng đối đầu quân sự với Liên Xô nhưng không đưa đến bất cứ sự tan băng nào trong các quan hệ chính trị. Dù vậy, việc tăng cường quân sự của Liên Xô trên biên giới với Trung Quốc vẫn tiếp tục: năm 1973, Liên Xô gần như tăng gấp đôi quân số của mình hiện diện tại biên giới so với năm 1969. Trung Quốc tiếp tục lên án "chủ nghĩa đế quốc xã hội Xô Viết" và tố cáo Liên Xô là kẻ thù của Cách mạng Thế giới. Mặc dù chính Trung Quốc đã ngừng hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm cách mạng tại những quốc gia khác sau năm 1972, và ủng hộ cho một cuộc chấm dứt Chiến tranh Việt Nam trong thương thuyết năm 1973.

Chiều hướng này tăng tốc sau khi Mao qua đời với việc dẹp bỏ quyền lực của nhóm cực đoan thường được biết đến là "Tứ nhân bang" và sự khởi đầu các cuộc cải cách kinh tế tổng quát dưới thời Đặng Tiểu Bình đã lật ngược các chính sách của Mao và bắt đầu một thời kỳ chuyển tiếp sang một nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc. Vào thập niên 1980, các chính sách "tìm sự thật trong thực tế" (seeking truth from facts) và chú trọng vào "con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc" của Đặng Tiểu Bình, điều này có nghĩa thực tế là phục hồi lại một nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc đã cho thấy là Trung Quốc phần nhiều đã mất hứng thú vào những tranh luận về cộng sản, và các cáo buộc về chủ nghĩa xét lại của Liên Xô cũng trong giọng điệu khá nhẹ nhàng và mờ nhạt dần.

Sau khi Mao mất, sự thù nghịch giữa Trung Quốc và Liên Xô bộc lộ tranh cãi ít hơn về chính trị bên trong mỗi quốc gia mà nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế nơi mà những lợi ích quốc gia của hai quốc gia thường hay va chạm.

Cuộc đối đầu chính đầu tiên là tại Đông Dương. Kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975 đã để lại các chế độ thân Liên Xô nắm quyền tại Việt NamLào, và chế độ thân Trung Quốc tại Campuchia. Việt Nam lúc đầu sẵn sàng làm ngơ các chính sách diệt chủng nội bộ của chế độ Pol Pot tại Campuchia, nhưng khi có các cuộc tàn sát các cộng đồng người Việt và các cuộc đụng độ dọc theo biên giới, họ đã xâm nhập Campuchia năm 1978 và lật đổ chế độ Pol Pot. Trung Quốc giận dữ tố cáo hành động này và mở một cuộc xâm lược "trừng phạt" miền bắc Việt Nam khiến xảy ra Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Đến lượt mình, Liên Xô lên án Trung Quốc nhưng không có hành động quân sự nào.

Năm 1979, Liên Xô can thiệp vào Afghanistan khi chế độ cộng sản tại đó đối mặt với nguy cơ bị lật đổ. Chính phủ Trung Quốc xem việc này như là một mưu toan nhằm bao vây họ nên đã hình thành một liên minh với Hoa Kỳ và Pakistan để hỗ trợ các phong trào kháng chiến Hồi giáo tại Afghanistan và ngăn chặn sự xâm lược của Liên Xô. Điều này khá thành công; cuộc chiến dây dưa kéo dài tại Afghanistan đã làm suy yếu nhiều hệ thống Xô Viết trong những năm sau đó. Trung Quốc cũng có nhúng tay một cách bí mật vào việc cung cấp trợ giúp cho nhóm Contras chiến đấu chống chính quyền Sandinista được Liên Xô hậu thuẫn tại Nicaragua [6]. Năm 1982, trước khi chết không bao lâu, Leonid Brezhnev đã đọc một bài diễn văn tại Tashkent mà lời lẽ như muốn hòa giải với Trung Quốc. Việc này mở đường cho sự hiện diện ngoại giao của Trung Quốc tại lễ tang của ông sau đó trong năm, và các nỗ lực ở bậc thấp nhằm giảm thiểu các tình trạng căng thẳng.

Khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền lãnh đạo Liên Xô năm 1985, ông đã cố gắng hàn gắn lại quan hệ bình thường với Trung Quốc. Các lực lượng quân sự Xô viết dọc theo biên giới được giảm thiểu rất nhiều, các quan hệ kinh tế bình thường đã được nối lại, và vấn đề biên giới được lặng lẽ lãng quên. Tuy nhiên Trung Quốc và Liên Xô khó bình thường hóa quan hệ nếu Kremlin không rút quân khỏi Afghanistan và ngừng hỗ trợ Việt Nam đóng quân tại Campuchia. Hơn nữa Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận tình trạng phụ thuộc vào Liên Xô.[7] Việc rút quân Liên Xô ra khỏi Afghanistan đã khai thông bất hòa chính giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, các vấn đề tư tưởng của thập niên 1960 không được giải quyết, và quan hệ chính thức giữa hai đảng cộng sản không được nối lại. Những mối quan hệ còn lãnh đạm giữa Liên Xô và Trung Quốc đã thúc giục nhiều người trong chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan xem Trung Quốc như một thế quân bình tự nhiên chống Liên Xô. Kết quả là Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Để thắt chặt quan hệ mới cải thiện, Gorbachev viếng thăm Trung Quốc vào tháng 5 năm 1989. Một kết cục không đoán trước của hội nghị thượng đỉnh này là sự tường trình của số đông giới truyền thông báo chí ngoại quốc về cuộc biểu tình phản đối tại Thiên An Môn năm 1989 và sự đàn áp xảy ra sau đó.

Chính phủ Trung Quốc xem xét sự cải cách của Gorbachev trong cái vẻ mâu thuẫn vừa thích thú vừa nghi ngờ. Tuy nhiên sự cải cách của Gorbachev sau cùng đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc sự nắm quyền của Đảng Cộng sản năm 1991. Vì chính phủ Trung Quốc không chính thức thừa nhận Liên Xô là một "nước xã hội chủ nghĩa" anh em nên họ không có ý kiến là Gorbachev phải nên cải cách chủ nghĩa xã hội như thế nào. Với tư cách cá nhân, giới lãnh đạo Trung Quốc có ý kiến rằng Gorbachev đã dại dột tiến hành các cải cách chính trị trước khi tiến hành cải cách kinh tế trong khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế mà không làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.